Tin thị trường

Chế biến cá thịt trắng ở Trung Quốc sẽ không còn lợi thế chi phí thấp

Thứ năm, 08/12/2022, 09:45 GMT+7

Ngành chế biến cá thịt trắng của Trung Quốc sẽ phải đối mặt với nhiều điều kiện bất lợi, quy mô nhỏ hơn nhưng chất lượng sản phẩm cao hơn.

20221205104433525che-bien-ca-thit-trang-o-trung-quoc-se-khong-con-loi-the
 

Jiang Yanjun, người sáng lập và Chủ tịch của Unibond Seafood Inernational có trụ sở tại Anh (Unibond điều hành các nhà máy cá thịt trắng tại Trung Quốc), cho biết giá cả và số lượng vốn là điểm cạnh tranh lớn của ngành chế biến cá Trung Quốc, tuy nhiên giá các sản phẩm này sắp tới không còn rẻ nữa.

Năm 2019, tổng sản lượng (toàn bộ trọng lượng cá) của ngành chế biến cá thịt trắng của Trung Quốc đạt 1,10 triệu tấn, chiếm 16% nguồn cung cá thịt trắng toàn cầu và 11% tổng xuất khẩu cá của Trung Quốc.

Trong số đó, sản lượng phi lê cá minh thái trong năm chiếm 49% sản lượng toàn cầu. Trung Quốc nhập khẩu 95% nguyên liệu thô cá minh thái bỏ đầu rút ruột.

Jeremy Woodrow, Giám đốc điều hành của Viện Tiếp thị Hải sản Alaska (ASMI) đang suy nghĩ về việc có nên tiếp tục xuất các sản phẩm của Alaska để chế biến tại Trung Quốc. Bởi trong 10 năm qua, chi phí lao động của Trung Quốc tiếp tục tăng, vượt qua Ấn Độ, Việt Nam và Thái Lan, vấn đề lao động già ngày cũng càng trầm trọng. Chi phí lao động cao sẽ làm các nhà xuất khẩu chuyển chế biến sang những thị trường khác. Một trong những lý do tiếp theo là chi phí vận chuyển. Ngoài ra, Jiang cũng nhấn mạnh rằng các công ty chế biến của Trung Quốc hiện gặp khó khăn trong việc huy động vốn và áp lực thị trường bên ngoài, bao gồm lạm phát, chiến tranh thương mại và nguồn cung nguyên liệu thô từ Nga giảm. Những yếu tố này có thể tác động tiêu cực, lâu dài đến Trung Quốc.

Cuộc chiến thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc làm thuế quan tăng vọt và các chính sách ngăn chặn COVID-19 nghiêm ngặt đã làm gián đoạn hoạt động nhập khẩu nguyên liệu thô, trong khi nhiều nước thứ ba đang cố gắng thiết lập dây chuyền chế biến cá thịt trắng của riêng họ. Chẳng hạn, ngành chế biến cá tuyết, cá minh thái và cá tuyết chấm đen của Việt Nam đã phát triển trong những năm qua. Indonesia cũng đang xây dựng dây chuyền chế biến cá tuyết và cá bơn, Thái Lan nối lại chế biến cá tuyết và các nước Nam Mỹ cũng đang cố gắng phát triển công nghiệp chế biến.

Ngoài ra, cá tra cũng đang được ưa chuộng như một sản phẩm thay thế cá minh thái đông lạnh.

Tuy nhiên, Jiang nhấn mạnh rằng khả năng cạnh tranh của Thanh Đảo và Đại Liên, hai trung tâm chế biến cá thịt trắng lớn nhất ở Trung Quốc không hề giảm. Thứ nhất, Đại Liên và Thanh Đảo có vị trí địa lý thuận lợi, gần Bắc Thái Bình Dương, giáp với Nhật Bản và Hàn Quốc. Năm 2019, Thanh Đảo và Đại Liên nhập khẩu 7.000 tấn nguyên liệu thô mỗi ngày, đây là con số không tưởng đối với các nước Đông Nam Á.

Thứ hai, Trung Quốc có các cụm công nghiệp mạnh được hỗ trợ bởi chính phủ. Có hơn 200 doanh nghiệp chế biến ở Đại Liên và Thanh Đảo, với 100.000 nhân công. Thứ ba, cả Thanh Đảo và Đại Liên đều có cơ sở hạ tầng hoàn chỉnh. Thanh Đảo có sức chứa cảng là 500.000 tấn, trong khi Đại Liên có 300.000 tấn. Cả hai đều có sân bay quốc tế và mạng lưới đường cao tốc.

Trong ba năm qua, do tác động của COVID-19, lượng xuất nhập khẩu cá thịt trắng của Trung Quốc đã giảm và bắt đầu phục hồi gần đây. Từ tháng 1 đến tháng 9 năm nay, khối lượng xuất khẩu philê cá minh thái đạt 152.000 tấn, tăng 8% so với cùng kỳ năm ngoái.

Các công ty Trung Quốc cần cải thiện khả năng thương lượng khi nhập khẩu nguyên liệu thô. Ngành chế biến cá thịt trắng có thể giảm sút trong nhiều năm, nhưng sẽ sớm phục hồi. Sản phẩm chế biến ở Trung Quốc sẽ không tập trung vào sản lượng và giá rẻ nữa, nhưng chất lượng và dịch vụ sẽ được cải thiện.

(Nguồn: undercurrentnews)